Trong một lần dự hội nghị tại huyện Tân Yên, tôi cùng mấy anh, chị làm công tác báo chí được đưa đi thăm Núi Dành, một địa danh nổi tiếng nơi đây.
Xe đưa chúng tôi từ thị trấn Cao Thượng đến xã Liên Chung, khoảng 15 phút chúng tôi đã có mặt tại chân núi Dành.
Núi Dành, còn gọi là núi Chuông - chuông chung của hai xã Liên Chung và Việt Lập. Tới đây, danh thắng này sẽ là niềm tự hào của huyện Tân Yên (Bắc Giang) khi huyện đang thực hiện quy hoạch, xây dựng núi Dành trở thành Trung tâm du lịch tâm linh, sinh thái.
Thú thực là người Bắc Giang, song tôi chưa bao giờ biết đến địa danh này nên tôi cũng khá tò mò, không hiểu điều bất ngờ gì sẽ diễn ra trước mắt. Mặc dù đã được dặn trước là đường đi lên Núi Dành không khó đi, nhưng phải mất khoảng 30 phút leo núi, tôi vẫn không khỏi ngỡ ngàng trước con đường đi phía trước. Đường từ chân núi lên là những bậc đá rêu phong, thi thoảng lại có những đoạn được lát bằng gạch chỉ, khi bằng phẳng, khi thoai thoải, hoặc đột ngột dựng cao; hai bên đường xung quanh là những đồi thông, bạch đàn, rừng keo xanh tốt. Dulichgo
Do không được chuẩn bị trước nên tôi khá vất vả trong hành trình leo núi với đôi giày cao gót, bởi thi thoảng lại bắt gặp những đoạn dốc uốn lượn, dựng cao; tranh thủ những lúc dừng chân lấy sức, tôi không quên lưu lại những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp với những đồi thông già vi vút gió, với thảm màu xanh biếc của những cánh đồng ngô, đồng lúa; xa xa phía dưới chân núi là thị trấn Cao Thượng sầm uất; xa hơn nữa là dòng sông Thương uốn lượn tạo nên một bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình.
Dọc đường đi, tôi được chị bạn là người sở tại giới thiệu về cụm di tích đình Vường, đền Dành và chùa Cống Phường. Trong đó, ấn tượng là đền Dành toạ lạc trên đỉnh núi Chung Sơn, hay còn gọi là núi Dành. Đền Dành xưa là ngôi đền nhỏ, cột làm bằng đá vôi tròn, được xây dựng từ thời Lê, thờ 2 vị thần Cao Sơn và Quí Minh.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ngôi đền bị giặc bắn phá hư hỏng nặng. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã huy động nhân dân góp công, góp của để trùng tu, tôn tạo. Cũng theo lời chị bạn, Núi Dành còn có vị trí quân sự, là tấm thảo mộc che chắn, bảo vệ thôn xóm trước những đợt pháo kích, những đợt tấn công bộ binh của địch từ trung tâm thị xã Bắc Giang xưa… Dulichgo
Hằng năm, vào ngày 19 tháng Giêng, chính quyền và nhân dân xã Liên Chung huyện Tân Yên lại long trọng tổ chức hội đền Dành thu hút đông đảo du khách thập phương. Lễ hội được tổ chức với phần nghi lễ rước thần tích, lễ tế thần và dâng hương, cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt, bội thu; thôn xóm, gia đình thuận hoà, yên vui...
Đặt chân trên đỉnh Núi Dành, trời đã ngả sang chiều, ngày cuối đông nên bắt đầu xuất hiện những lớp sương nhẹ, lúc này mọi mệt mỏi của cuộc hành trình như được rũ bỏ, thay vào đó là cảm giác thư thái, yên bình. Mải mê ngắm cảnh nơi đây, song đoàn chúng tôi không quên vào làm lễ tại đền Dành cùng cầu mong sức khoẻ, bình an.
Trên đường về, bắt gặp một tốp các em nhỏ đi lấy củi, dường như đã quen với việc leo núi nên dù trên vai đang gùi bó củi to, nhưng các em vẫn vô tư nô đùa, chợt thấy mình thật lạc lõng với dáng vẻ căng thẳng vì đôi giày không chiều lòng người khi xuống núi.
Tạm biệt Núi Dành, trên hành trình trở về chúng tôi vẫn tiếp tục câu chuyện về những trải nghiệm thú vị của chuyến đi, ai cũng khoe về những bức hình đẹp nhất, ấn tượng nhất; thi thoảng có tiếng xuýt xoa tiếc nuối vì thời gian gấp gáp nên chưa kịp thưởng ngoạn, khám phá hết vẻ đẹp nơi đây. Riêng tôi thầm nghĩ, trong tương lai không xa địa danh Núi Dành sẽ được nhiều khách du lịch biết đến bởi nơi đây hội tụ đủ những điều kiện trở thành khu du lịch tâm linh và sinh thái hấp dẫn.
Đăng nhận xét