Bản Dền thuộc xã Bản Hồ (huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) được nhiều khách Tây biết đến bởi sự thuần khiết của thiên nhiên. Tuy nhiên, chương trình các tour tham quan Sa Pa gần như vắng tên Bản Dền. Và chúng tôi thử đến Bản Dền một lần…
Đi hết con đường quanh co, sầm uất của phố xá Sa Pa, chúng tôi đi theo một con đường trên cao cặp theo thung lũng, giữa những thửa ruộng bậc thang. Bên kia là dãy Hoàng Liên như một bức tường thành cao lớn chắn ngang giữa trời. Con đường ngoằn ngoèo uốn lượn qua những thung lũng.
Đường dẫn vào Bản Dền vừa khó, vừa nhỏ với những con dốc thẳng đứng, những cua ngoặt nguy hiểm. Gặp những người bản địa đang thồ hàng bằng ngựa về hướng bản nhưng họ không nói được tiếng Kinh nên khi hỏi thăm đường hai bên cứ huơ tay múa chân để diễn đạt.
Men theo hết những con dốc, chúng tôi đi trên một con đường được khoét từ vách đá thẳng đứng. Nhìn những khối đá nham nhở bên trên có thể hình dung được mức độ nguy hiểm. Vách đá cao đến hàng chục mét. Qua được phía bên kia đường, chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm.
Bản Dền ngày nay dù đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn giữ được cái hồn của bản. Người ta không đưa những resort, những kiến trúc ngoại lai vào bản mà phát huy giá trị văn hóa bao đời nay để làm du lịch. 29 ngôi nhà sàn đẹp nhất bản được chọn làm điểm du lịch tại gia (homestay) - phục vụ du khách ăn ở cùng với bản làng. Nhà cửa được dọn dẹp sạch đẹp, tinh tươm. Từ hơn mười năm nay, khi phát triển du lịch, Bản Dền vẫn thế, tạo nên sức hấp dẫn khác lạ. Du khách nước ngoài đến đây ngày một đông. Họ đến và ngủ lại 1-2 đêm để trải nghiệm cuộc sống của người dân bản địa.
Người dân Bản Dền tiếp xúc với khách Tây đã nói được tiếng Anh, tiếng Pháp. Họ biết dùng điện thoại di động… nhưng vẫn giữ nguyên phong cách văn hóa truyền thống. Đó chính là cái hay của người làm du lịch và ý thức cao của người dân.
Thiên nhiên Bản Dền quyến rũ lạ lùng. Từ trên cao nhìn xuống, những mái nhà san sát úp trên mặt đất xen lẫn những thửa ruộng bậc thang đang xanh rì màu mạ non. Các dân tộc chia nhau khu vực sống rõ ràng. Người Tày sống ở vùng đất thấp; người Dáy, người Xa Phó và người Mông lại chọn vùng đất cao, có khi là ở lưng chừng núi, có khi lại trên đỉnh đồi. Dù dân tộc nào, ở vị trí nào của địa hình đồi núi thì những mảng xanh của mạ, những thửa ruộng bậc thang cũng kéo tận cửa nhà.
Đặc biệt là Bản Dền được bao bọc bởi hai dòng suối thơ mộng. Suối Hoa khi đến cuối xã Tả Van thì tách làm đôi: một dòng là suối Hoa, một dòng là suống Lavi. Hai con suối này chạy dài đến xã Bản Hồ thì ôm lấy Bản Dền. Những người bản địa kể rằng: ngày xưa chàng trai Tả Van và cô gái Bản Dền yêu nhau, thường hẹn hò bên dòng suối Hoa. Một ngày kia, Thần Nước bất ngờ ập đến, cuốn phăng cô gái. Chàng trai lao theo dòng nước nhưng cô gái ngày càng trôi xa và bị nhấn chìm trong dòng nước cuồng nộ ấy.
Chàng trai buồn bã lên dãy Hoàng Liên vác đá lấp suối để tìm nàng. Đá chất cao mãi theo chiều cao nhung nhớ, dần dần tách dòng suối làm đôi và bao bọc lấy Bản Dền thân thương.
Câu chuyện tình buồn làm cho Bản Dền thêm huyền bí và lôi cuốn. Người ta ngủ đêm lại Bản Dền để nghe tiếng suối róc rách như đang kể lại câu chuyện diễm tình. Ban ngày, những phụ nữ bản địa lại ra bờ suối ngồi thêu thổ cẩm, kết thành váy.
Nếu như Sa Pa như một nàng con gái thành thị, diễm lệ thì Bản Dền như một cô gái núi rừng, đượm chút buồn u uẩn. Và du khách nước ngoài lại thích vẻ đẹp núi rừng đó. Chúng tôi, những người Kinh đến từ miền xuôi, như đang lọt thỏm giữa rừng người bản địa và những du khách nước ngoài vừa trecking tới đây. Họ trò chuyện thân mật như thể đã từng là bạn của nhau. Có thể nói Bản Dền là nơi để du khách khám phá nét thuần khiết của Sa Pa.
Du lịch, GO! - Theo Anh Nhàn (báo Cần Thơ), ảnh internet
Đăng nhận xét