0

Cao nguyên Vân Hòa được xem như một góc Đà Lạt của tỉnh Phú Yên do khí hậu tại đây mát mẻ quanh năm. Vân Hòa nằm ở độ cao 400m so với mực nước biển, nằm trên tỉnh lộ số 643 Hòa Đa đi Tân Lương, Trà Kê.

Cao nguyên bao gồm các xã Sơn Xuân - Sơn Long và Sơn Định. Vân Hòa thoáng mát, phủ đầy rừng xanh và đồng cỏ còn nhiều hoang sơ.

Tại đây có ngôi làng nhỏ cùng tên Vân Hòa thuộc xã Sơn Long, huyện Sơn Hoà - Phú Yên. Ngày trước, làng Vân Hoà có nhiều cánh rừng nguyên sinh với nhiều loài hoa lan hiếm như Hồ Điệp, Tai Tượng, Kim Điệp…



Đặc sản nổi tiếng của Vân Hòa là mít và thơm. Mít Vân Hòa ngọt, dòn, vàng ươm màu mật ong; thơm Vân Hòa ít mắt, ngọt. Từ hai loại nông sản này, người dân đã tạo ra món mắm độc đáo không nơi nào có được. Những sản vật mang đậm bản sắc Phú Yên được bán ở khắp nơi tại cao nguyên Vân Hòa, đặc biệt là ở chợ Đồn.

Ngoài ra, làng còn có một loại trái cây rừng là trái đỏ. Đến mùa trái chín đỏ, mọc dày thành từng chùm từ gốc lên đến tận nách thân, trông rất đẹp mắt. Đến Vân Hòa vào dịp cuối xuân, đầu hạ, đường râm mát bóng cây, tiếng ve rền rỉ ngân nga.



Vân Hòa chỉ đông dân ở Chợ Đồn, dân chúng tập trung quanh chợ và rải rác trong vùng sâu, trên những triền dốc thoai thoải. Xưa nay, thổ sản chính tại đây là thơm, mít trồng xung quanh vườn trên các sườn núi do thổ nghi hợp với cây này. Giống mít có tàn lá sum sê phủ kín núi đồi, dưới gốc mít thì trồng thơm. Thơm Chợ Đồn trái không lớn nhưng tròn, mắt lớn, ruột màu hồng không tái nên nổi tiếng. Những năm 1960 về trước, vườn ở Vân Hòa, Phong Cao, Lương Sơn đến thời vụ các nới đi ngựa, xe gánh gồng về mua thơm, mít, trái đỏ rất tấp nập.

Truyền thuyết kể rằng ngày xưa, rừng Vân Hòa bổng xuất hiện một con thuồng luồng hung dữ. Nó sống trong một cái hang sâu, nay gọi là hang Thuồng Luồng. Con quái vật này to lớn khác thường, dài đến hơn trăm bước chân, thân hình to bằng gốc bằng lăng bốn người giang tay ôm không hết, mình đầy gai và vẩy lấp lánh lân tinh. Hàng đêm, quái vật thường bò ra khỏi hang vào tận trong làng bắt gà vịt, rồi heo dê, đến trâu bò và bắt cả người lớn trẻ con ăn thịt. Do vậy nên dân làng đối phó bằng cách bỏ nhà, leo lên những ngọn cây to cao để lẩn tránh.



Một ngày kia có người mách rằng, làng Thượng có một người đàn ông, góa vợ, chỉ có một đứa con trai, chuyên nghề bắn nỏ, có thể trừ được con quái vật. Dân làng Vân Hoà bèn cử người khăn gói ra đi, thỉnh mời ông đến cứu giúp. Sau khi nghe câu chuyện, ông nhận lời và lập tức lên đường với người con trai, mang theo cung tên.

Đến làng, cha con ông Chăm Mùng cùng dân làng cất một chòi cao bằng những cột gỗ ké thật chắc canh chừng ác thú. Một tháng hai tháng rồi ba tháng… trôi qua, con thuồng luông vẫn biệt dạng, khiến ông Chăm Mùng thất vọng gói ghém hành lý trở về buôn cũ. Khi ông vừa bước xuống khỏi bậc thang cuối cùng, đặt chân lên mặt đất bỗng nhiên mùi hôi thối xông lên nồng nặc, con thuồng luồng lao ra như mũi tên, nhằm thẳng chỗ ông đứng phóng tới.



Ông Chăm Mùng giương cung nhắm vào hai mắt thuồng luồng bắn khiến nó đau đớn và hung tợn hơn, quật đuôi làm lung lay chiếc chòi đứa con trai ông còn đang đứng trên đó. Bắn hết tên cũng chỉ nó bị mù, quẫy mạnh cả thân hình làm thành một một vệt dài sâu tựa lòng con suối lớn (sau này dân làng Vân Hòa gọi là suối ông Năm (ông Chăm? Sau này, khi thành lập nông trường cà phê Vân Hòa chiếc hố này được vét sâu và rộng đến mấy mẫu tây làm hồ chứa nước tưới cho cây cà phê). Cuối cùng, quái vật ngã gục bằng một mũi nỏ tẩm độc trúng ngay đầu.



Sau khi trừ khử được con ác thú, cha con ông Chăm Mùng cáo từ dân làng trở về buôn cũ. Về sau khi ông chết, mỗi khi cúng thổ trạch, gia tiên, ngày lễ tết… người dân làng Vân Hòa đều sắm một mâm riêng để dâng cúng vong linh ông gọi là mâm cơm cúng “phụ tử Chăm Mùng”. Tục lệ này kéo dài mãi đến những ngày gần đây mới bỏ hẳn.

Để đến đây: Từ thành phố Tuy Hòa, bạn theo Quốc lộ 1A đi về hướng Bắc khoảng 14 km. Đến thôn Hòa Đa sẽ gặp ngã 4 Hòa Đa, rẽ trái theo đường ĐT 643 ngược lên hướng Tây khoảng 25 km sẽ đến cao nguyên Vân Hòa.

Đăng nhận xét

Tour lạ

 
Top